Tin nổi bật Tin nổi bật

Hiệu quả từ phát triển các loại cây trồng trên địa bàn phường Liên Mạc – Quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội
Publish date 30/06/2021 | 16:18  | View Count: 385

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Phường Liên Mạc là một trong 16 xã, thị trấn của Huyện Từ Liêm được thành lập theo Nghị quyết 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điểu chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 23 phường thuộc 02 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Xã Liên Mạc trở thành phường Liên Mạc thuộc quận Bắc Từ Liêm kể từ ngày 01/4/2014. Liên Mạc có diện tích tự nhiên là 589,704 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 133,55 ha, được giới hạn bởi Quốc lộ 69, 70 và sông Nhuệ. Dân số toàn phường có 3158 hộ gia đình với 11.957 nhân khẩu.

Những năm 2014 trở về trước xã Liên Mạc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy. Từ khi chuyển thành Phường, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của quận Bắc Từ Liêm phấn đấu trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm khóa I – Nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Chương trình công tác toàn khóa của Quận ủy Bắc Từ Liêm; Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy phường Liên Mạc đã xây dựng 04 Chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình về phát triển kinh tế xã hội của Phường để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương trong những năm tới.

Với phương châm lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chung của phường Liên Mạc trong những giai đoạn tiếp theo. Ban chỉ đạo phát triển kinh tế của Phường đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội (trong đó có phát triển các loại cây trồng trên địa bàn phường)

Thực trạng và kết quả phát triển cây trồng của phường Liên Mạc

Phường Liên Mạc có 10 TDP, có 04 HTX dịch vụ với trên 2000 xã viên. Với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là trên 133ha. Về diện tích các loại cây trồng trên địa bàn phường gồm: 310,92 ha. Trong đó: Diện tích cây trồng lâu năm (cây ăn quả) là 25,09 ha. Gồm: Cây ăn quả (Cam, chanh: 0,5 ha; Bưởi: 20 ha; Chuối: 0,2 ha; Nhãn: 1,8 ha; Xoài 0,05 ha; Đu đủ: 0,3 ha; Ổi: 0,91 ha; Táo: 0,05 ha; Hồng Xiêm: 0,1 ha). Cây lâu năm khác: 1,18 ha. Về cây hàng năm: Lúa 25 ha; Ngô và cây lương thực có hạt khác: 0,7 ha; Đậu tương: 1,5 ha. Rau đậu và các loại hoa cây cảnh: 258,13 ha ( Rau các loại: 115,92 ha; Đậu các loại: 2,61 ha; Hoa, cây cảnh: 139,6 ha).

Hiện nay, trên địa bàn phường Liên Mạc các loại cây chủ yếu đang được Nhân dân trồng và phát triển mạnh là Bưởi Diễn, cây cảnh (tập trung trồng chủ yếu ở các TDP Hoàng Xá và Hoàng Liên 1,2,3 và một số hộ của TDP Đại Cát 1,2,3); Hoa (chủ yếu là hoa Cúc, hoa hồng trồng tập trung chủ yếu ở các TDP Yên Nội 1,2,3); Nhãn, ổi được trồng tập trung chủ yếu ở các TDP Đại Cát 1,2,3 và Hoàng Liên 1,2,3. Bên cạnh đó, Nhân dân các TDP Đại Cát 1,2,3; Yên Nội 1,2,3 cũng đã tích cực trồng khu vực ngoài bãi một số cây ăn quả, các loại rau, đậu các loại và hành lá với diện tích khá lớn duy trì ổn định phát triển cây trồng, đồng thời là nguồn thực phẩm cung cấp, bán cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, công ty sản xuất mỳ tôm đem lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân.

Với truyền thống cần cù, chịu khó, Nhân dân phường Liên Mạc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa cho thu nhập thấp sang trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Từ năm 2010 đến 2020: UBND phường phối hợp với Trung tâm khuyến nông Thành phố, Trạm Khuyến nông; Trạm Bảo vệ thực vật quận và các Hợp tác xã đã mở trên 10 Lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc Bưởi và các loại cây trồng khác thu hút hàng trăm xã viên, Nhân dân tham gia. Thông qua các Lớp tập huấn đã trang bị cho người dân địa phương những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tiêu thụ hoa, cây ăn quả đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt trong 2 năm 2017-2018, UBND phường phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông quận và HTX Yên Nội  vận động hàng chục hộ dân triển khai mô hình trồng cúc họa mi tập trung, thực tế cho thu nhập cao hơn và kích cầu phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn cho khách thập phương đến thăm quan, chụp ảnh và mua hoa. Nhiều hộ gia đình trong phường đã tích cực chuyển đổi mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Bên cạnh đó, UBND phường và các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên phường phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội quận xét và cho hàng trăm hộ vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn phường có 505 hộ vay với tổng dư nợ cho vay là 25.823.400.000đ. Với những kết quả trên, từ chỗ toàn phường có 75 hộ nghèo và 108 hộ cận nghèo, đến nay phường Liên Mạc không còn hộ nghèo và chỉ còn 50 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới.

Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây trồng trên địa bàn phường còn mang tính tự phát của người dân và chưa có quy hoạch tổng thể phát triển theo vùng sản xuất, trồng trọt tập trung, vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa mang tính bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của người dân địa phương chưa thực hiện được theo chuỗi nên ảnh hưởng không nhỏ đến cung cầu thị trường và tiêu thụ chậm khi có những yếu tố khách quan mang lại như thiên tai, dịch bệnh…

Nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cây trồng trên địa bàn phường

Trong thời gian tới, tình hình đô thị hóa trên địa bàn phường diễn ra với tốc độ nhanh, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp do phần lớn diện tích được đua vào công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án như Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội và các dự án đầu tư công trung hạn như: Trung tâm Văn hóa thể thao phường, các bãi đỗ xe, các trục đường giao thông và các khu đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các khu nhà ở và các dự án quan trọng khác của Thành phố và Quận Bắc Từ Liêm triển khai trên địa bàn. Đặc biệt là có tác động, ảnh hưởng bởi Quy hoạch tổng thể hai bên bờ sông Hồng sắp được Thành phố Hà Nội công bố. Ngoài ra, do tác động của cơ chế thị trường và nhu cầu việc làm có sự chuyển dịch mạnh nên nhiều người dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp; Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội nói chung. Do đó, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ và sát sao của các cấp, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất là cần tập trung làm tốt công tác phổ biến, quán triệt và tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành phố và Quận đến cán bộ và Nhân dân địa phương nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế và các chính sách ưu đãi, khuyến khích về phát triển cây trồng.

Thứ hai là tập trung xây dựng Đề án, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030 để có chiến lược trong việc quy hoạch đầu tư, duy trì và phát triển diện tích cây trồng trên địa bàn phường đảm bảo đúng với Quy hoạch của Thành phố, trong đó có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất tập trung và duy trì ổn định diện tích cây trồng có thế mạnh của địa phương như: Bưởi Diễn, Rau, hoa và một số cây ăn quả khác.

Thứ ba là phối hợp với các cơ quan đơn vị như: Trung tâm Khuyến nông, Trạm khuyến nông, Trạm BVTV và các đơn vị khác tổ chức các Lớp chuyển giao KHKT trồng chăm sóc các loại cây trồng, chú trọng các kiến thức, kỹ thuật trồng chăm rau, sóc hoa, cây ăn quả theo tiêu chuẩn nông sản sạch (VietGAP).

Thứ tư là đẩy mạnh việc phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội để triển khai các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp cho các hộ trồng cây ăn quả có nguồn vốn để đầu tư duy trì, phát triển các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao.

Thứ năm là thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, nhất là các gương điển hình làm kinh tế giỏi và tổ chức các buổi tham quan, học tập mô hình làm kinh tế gioi trồng trọt tiêu biểu ở các tỉnh, thành và địa phương bạn để học hỏi, áp dụng vào phát triển các mô hình phát triển kinh tế của địa phương trong những giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng phường Liên Mạc ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                Đoàn Mạnh Hùng

Đảng ủy viên – Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc